Ông chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ đang đổ tiền vào bất động sản

{fullname} {fullname} | 17-06-2016, 17:15 | Tin tức

Ông chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ đang đổ tiền vào bất động sản
Phối cảnh Tổ hợp khách sạn Hoa Sen 4 sao tại TP Yên Bái
Chiếm thị phần lớn với tôn mạ và ống thép dường như chưa đủ, “Ông lớn” ngành thép tập đoàn Hoa Sen đang đổ tiền để quay lại giấc mơ bất động sản dang dở vài năm trước.

Trong ngành thép ai cũng biết đến tiếng tăm của Tập đoàn Hoa Sen do doanh nhân Lê Phước Vũ là Chủ tịch HĐQT. Có tiền thân là Công ty CP Hoa Sen với số vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng thành lập năm 2001, là đơn vị chuyên sản xuất, phân phối và nhập khẩu tấm lợp kim loại.

Đến nay, Hoa Sen Group đã trở thành tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thép. Theo báo cáo, thị phần tôn mạ của Hoa Sen chiếm tới 37,4% dẫn đầu về thị phần trong nước, ống thép chism 19% đứng thứ 2 thị phần tiêu thụ trong nước trong năm 2015. Vốn điều lệ của Hoa Sen trên 1.300 tỷ, vốn chủ sở hữu trên 3.573 tỷ.

Chuyện kinh doanh bất động sản của ông chủ Hoa Sen không phải nay mới nói tới khi dư luận xôn xao với việc ông Vũ bất ngờ quay lại, mà trước đó 2009 ông đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực địa ốc, tham vọng gặt hái thành công cũng như thép.

Khi đó, Hoa Sen đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở Quận 9 (T.PHCM), dự án đầu tiên Hoa Sen đầu tư có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng là một chung cư 18 tầng. Tiếp sau đó 2 năm thì Hoa Sen tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại Quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside.

Tuy nhiên, rơi đúng giai đoạn thị trường bất động sản TP.HCM khủng hoảng, trầm lắng khiến “ông vua thép” Lê Phước Vũ đã tính chuyện rút lui. Đến 2011 thì tập đoàn Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là thép.

Đến nay bẵng đi nhiều năm, thị trường BĐS sôi sục trở lại, một lần nữa BĐS lại khiến vị doanh nhân ăn chay trường Lê Phước Vũ không thể ngồi yên. Có điều chiến lược lần này của chủ tịch tập đoàn Hoa Sen khi dốc “hầu bao” vào địa ốc khác hơn so với trước.

Không đầu tư vào bất động sản nhà ở, ông Lê Phước Vũ bất ngờ đổ tiền vào bất động sản du lịch, mảng thị trường này cũng đang là “mỏ vàng” của nhiều ông lớn địa ốc. Với những động thái mới gần đây của ông Lê Phước Vũ, cho thấy đại gia ngành thép này đang tỏ rõ tham vọng trở thành một trong những “ông lớn” mới nổi trong lĩnh vực nghỉ dưỡng.

Chỉ trong tháng 5 năm 2016, tập đoàn Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn.

Hoa Sen nắm giữ tỷ lệ 70% ở hai công ty Hoa Sen Yên Bái và Hội Vân và 45% ở hai công ty còn lại, số cổ phần còn lại do cá nhân ông Lê Phước Vũ và công ty du lịch của ông nắm giữ.

Những hành động thực tế cũng đang cho thấy Hoa Sen rất rốt ráo đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, ngay trong tháng 5 đã khởi công một dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Đồng thời, ông Lê Phước Vũ cũng đã chia sẻ với giới truyền thông là ông còn đầu tư vào nhiều dự án khác. Đặc biệt, Hoa Sen còn đang tham vọng đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Khu vực Hoa Sen đang nghiên cứu lập dự án đầu tư khu tâm linh, sinh thái Vân Hội, cách TP Yên Bái chừng 20km, nằm gần cao tốc Nội Bài-Lào Cai


Một loạt dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn khác Hoa Sen đang chuẩn bị đầu tư. Các dự án này nằm ở địa phận tỉnh Bình Định. Hiện Hoa Sen đã được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư vào 2 dự án BĐS, nâng tổng số dự án đầu tư của Hoa Sen tại tỉnh này lên con số 5 ( 3 dự án trước là sản xuất tôn, ống thép, ống nhựa tại Khu Kinh tế Nhơn Hội và Khu Công nghiệp Nhơn Hòa –PV).

Hai dự án BĐS này gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh Suối nước nóng Hội Vân tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp (Phù Cát); Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại khu đất số 1 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn.

Được biết khu đất này trước đây đã được Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu, cũng là một tổ hợp cao tầng với chiều cao lên tới 46 tầng tương đương 185m. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua tỉnh Bình Định đã thu hồi dự án và giao cho Tập đoàn Hoa Sen đầu tư.

Việc mở rộng đầu tư đa ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Hoa Sen Group, tuy nhiên, khi tập đoàn này “dấn thân” vào BĐS cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Thực tế, hiện nay nhiều tập đoàn lớn có xu hướng đầu tư đa ngành với các lĩnh vực không phải là mũi nhọn của mình, trong đó, phần lớn hướng tới đầu tư vào bất động sản. Việc đầu tư đa ngành, mở rộng lĩnh vực thì thách thức lớn nhất với doanh nghiệp là vấn đề quản trị rủi ro, quản trị nhân sự…và đương nhiên Hoa Sen cũng không phải ngoại lệ.

Gia Bảo

Theo Trí thức trẻ

Từ khoá : Hoa, Sen, ang
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Tuyển dụng