Số phận "tả tơi" của loạt công ty BĐS mang họ dầu khí

{fullname} {fullname} | 24-03-2016, 10:11 | Tin tức

Số phận "tả tơi" của loạt công ty BĐS mang họ dầu khí

Trong cơn sốt địa ốc, nhiều doanh nghiệp mang họ dầu khí đua nhau đầu tư bất động sản, bất chấp đó là nghề “tay trái”. Kết cục, khi thị trường đi xuống, hàng loạt dự án dang dở, lỗ nặng khiến doanh nghiệp sống trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Bài 1: PVL đang vùng vẫy trong "vũng lầy" bất động sản

Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) là thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. PVL được xem là công ty địa ốc có nhiều bê bối nhất trong các đại gia địa ốc.

Khị thị trường BĐS sốt nóng, PVL “hùng hổ” bước vào thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM với 2 dự án Petro Vietnam Landmark (phường An Phú, quận 2) và Petrovietnam Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức). Những tưởng, PVL sẽ trở thành một “đại gia” trong giới kinh doanh địa ốc trong tương lai. Thế nhưng, giờ đây chính BĐS đang kéo PVL vào "vũng lầy".

Cũng chính từ 2 dự án trên, lãnh đạo của PVL “dính phốt”. Theo đó, ngày 17/1/2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVL, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Cổ phiếu PVL hiện dao động quanh mức 2.000 đồng

Với Petrovietnam Landmark, dự án từng gây xôn xao vào hồi tháng 10/2011 khi PVL thông báo đại hạ giá bán 85 căn hộ tại dự án này từ 21,36 triệu đồng/m2 (bao gồm thuế VAT), xuống thấp nhất là 15,5 triệu đồng/m2, nhưng rồi kết quả bán hàng cũng trầy trật.

Kể từ năm 2012 trở lại đây, dự án này đã trở thành tâm điểm của các dự án chậm tiến độ liên tục bị khách hàng “đội đơn” khiếu nại từ Nam chí Bắc. Mới đây, nhóm khách hàng mua nhà tại Petrovietnam Landmark đã gửi đơn kêu cứu ông Đinh La Thăng để mong chờ vào một phép màu" từ vị tân bí thư của thành phố.

Trong khi đó, Dự án Green House cũng chẳng kém cạnh gì về mặt tai tiếng. Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2010, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tầng hầm và móng, dự án ngưng thi công đến nay.

Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PVL Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Theo thông tin công bố bán đấu giá, công ty này đã đầu tư 163,3 tỷ đồng vào Dự án Green House, như vậy, nếu bán thành công ở mức 51 tỷ đồng, dự kiến PVL Land sẽ lỗ 112,3 tỷ đồng từ dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa bán được.

Tại Hà Nội, không kém phần rắc rối, bê tối liên quan đến PVL đó là dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (sát cạnh Keangnam). Suốt 13 năm giao đất dự án liên tục bị đổi vận. Tháng 10/2002 Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất và giao cho công ty Xuyên Thái Bình Dương (nay là CTy CP Địa ốc dầu khí Viễn thông) làm nhà tang lễ.

Đến 2006, Hà Nội lại cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này từ dự án Nhà tang lễ thành dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng Nam Đàn Plaza. Để thực hiện dự án này, PVL đã thành lập công ty liên kết với Công ty Xuyên Thái Bình Dương là CTCP địa ốc dầu khí Viễn Thông, hiện đang là chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, đến nay khách sạn 5 sao đâu chẳng thấy khu đất vẫn bỏ hoang và đang được tận dụng làm bãi để xe.


Trong khi hàng loạt dự án đang sa vào "vũng lầy" không lối thoát thì tình hình tài chính của PVL cũng ngày càng bết bát. Báo cáo KQKD năm 2015 của PVL cho thấy, quý 4/2015 công ty ghi nhận mức lỗ 3 tỷ đồng kéo mức lỗ cả năm 2015 lên 20,8 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2014, PVL vẫn còn ghi nhận mức lợi nhuận khiêm tốn 4 tỷ đồng.

Những khó khăn, chồng chất khó khăn của PVL tiếp tục được Tổng Giám đốc Đinh Ngọc Bình khẳng định trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 của PVL.

Báo cáo nêu rõ: "Với hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh BĐS, hầu hết các dự án của PVL đều đang trong giai đoạn dang dở, nguồn lực từ các hoạt động khác không có dẫn đến hoạt động SXKD gần như như không có doanh thu, lợi nhuận. Trong vài năm gần đây, doanh thu chủ yếu đem lại từ hoạt động nhượng bán tài sản".

"Bên cạnh đó khủng hoảng lãnh đạo chủ chốt và việc điều hành yếu kém từ các năm trước (2012-2014) dẫn tới việc sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nợ đọng kéo dài, uy tín và thương hiệu của công ty giảm sút nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, đầu tư kinh doanh của công ty", ông Bình nói rõ trong báo cáo.

Trong bối cảnh uy tín của PVL đang tệ hại hơn bao giờ hết, khách hàng dường như đã mất hết niềm tin, các đối tác cũng vì thế mà cảm thấy “e ngại” PVL. Đó dường như là lý do vì sao dù muốn thoát khỏi BĐS, đơn vị này cũng không thể.

Thanh Ngà

Theo Trí thức trẻ

Từ khoá : mang
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Tuyển dụng